Chúng tôi trên facebook

Thị thực và sức hút du lịch

Với khách du lịch, việc phải xin thị thực nhập cảnh (visa) không chỉ làm mất một khoản chi phí tiền bạc mà còn mất nhiều thời gian làm thủ tục. Ðôi khi thời gian đi lại, chờ đợi và sự phức tạp trong quá trình làm thủ tục lại khiến du khách nản lòng hơn là một món tiền cụ thể phải bỏ ra; thậm chí gây tâm lý không thoải mái cho những khách du lịch tiềm năng, đến từ các quốc gia giàu có.

Thị thực và sức hút du lịch


Tổ chức Du lịch thế giới, cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về du lịch (UNWTO) nhận định, thị thực nhập cảnh là một trong những nhóm chính sách có tác động lớn nhất đến du lịch quốc tế. Ðể thu hút du khách và tăng khả năng cạnh tranh, ngày càng có nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho du khách như: miễn thị thực đơn phương, cấp thị thực tại cửa khẩu, sử dụng công nghệ E-visa (cấp thị thực điện tử). Nhiều quốc gia Ðông-Nam Á, nhất là những "đối thủ trực tiếp" của du lịch Việt Nam, đã sử dụng chính sách thị thực thông thoáng và thuận lợi như là một công cụ cạnh tranh và đã rất thành công. Hiện nay, Phi-li-pin đã miễn thị thực cho công dân 157 quốc gia và vùng lãnh thổ; tương tự, Ma-lai-xi-a: 155, Xin-ga-po: 150, Thái-lan: 61, In-đô-nê-xi-a: 30... Thống kê năm 2014 cho thấy, Ma-lai-xi-a đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế; Thái-lan: 24,8 triệu; Xin-ga-po: 15,1 triệu. Các nước láng giềng với chúng ta như Cam-pu-chia áp dụng E-visa và thị thực tại cửa khẩu cho hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ; Lào đang áp dụng chính sách này cho 150 quốc gia. Ðất nước mới mở cánh cửa hội nhập là Mi-an-ma cũng đã áp dụng E-visa cho gần 100 quốc gia.

Việt Nam, cho tới nay, đã miễn thị thực đơn phương cho công dân bảy nước: Nga, Thụy Ðiển, Ðan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản; miễn thị thực song phương cho công dân chín nước trong cộng đồng ASEAN. Chính sách này đã nhận được những tín hiệu tích cực từ du khách quốc tế, đặc biệt từ những thị trường tiềm năng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các nước ASEAN. Từ khi áp dụng chính sách miễn thị thực (năm 2004), khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; Hàn Quốc tăng 3,6 lần; con số ấn tượng nhất thuộc về du khách Nga, tăng 7,45 lần. Cùng với lượng khách tăng, chi tiêu của du khách quốc tế khi sang du lịch đã kích thích sản xuất các sản phẩm bổ trợ du lịch, hỗ trợ "xuất khẩu tại chỗ", tạo việc làm cho người dân địa phương, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Thí dụ dễ nhận thấy là khách du lịch quốc tế, nhất là du khách đến từ Nga đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương như: Khánh Hòa, Phan Thiết, Phú Quốc...

Chuyển biến tích cực trong chính sách thị thực của chúng ta những năm vừa qua được bạn bè quốc tế đánh giá cao, cụ thể là thời gian xét duyệt đã được rút ngắn nhiều so với trước, thủ tục được đơn giản hóa. Nhưng nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn là nước còn rất hạn chế về chính sách miễn thị thực, nếu so với các nước trong khu vực là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam. Con số 16 quốc gia được chúng ta miễn thị thực, và số lượng tám triệu khách du lịch quốc tế/năm quả là chưa nhiều (thậm chí là thấp trong khu vực) nếu so với Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan...

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất áp dụng chính sách thị thực thông thoáng hơn nữa để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam. Trong đó, ưu tiên mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho các quốc gia là thị trường có nguồn khách lớn, xu hướng lưu trú lâu và mức độ chi tiêu nhiều.

Liên quan việc miễn thị thực, có ý kiến cho rằng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu từ lệ phí cấp thị thực. Nhưng nếu chính sách này góp phần tích cực kích thích tăng trưởng du khách quốc tế trong thời gian tới thì chúng ta sẽ thu được những hiệu quả về kinh tế, xã hội lớn hơn nhiều. Nói theo dân gian là không nên vương vấn phân tâm "bắt con săn sắt" mà để vuột mất "con cá rô". Nghiên cứu của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới, là một cơ quan của Liên hợp quốc) và WTTC (Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới) chỉ rõ, nếu Việt Nam áp dụng chính sách thông thoáng về thị thực, có thể góp phần tăng lượng khách từ 8 đến 18% trong thời gian tới. Và với lượng chi tiêu trung bình của mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 1.143 USD (số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013), thì hụt thu từ lệ phí thị thực hoàn toàn có thể bù đắp bằng tổng nguồn thu từ lượng khách du lịch. Ngoài ra, việc đáp ứng nhu cầu chi tiêu và thụ hưởng dịch vụ của du khách sẽ thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp cho ngành du lịch, kích cầu các dịch vụ khác, tạo việc làm và nâng thu nhập cho người dân địa phương. Tóm lại, trong gói giải pháp tổng thể đưa du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, chính sách thị thực thuận lợi sẽ góp phần tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp trong khu vực, thu hút khách du khách, các nguồn vốn FDI; mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, văn hóa,... tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của đất nước ta.